Hiện nay, tại huyện Nam Trà My, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã trên địa bàn huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp (Q-office) trong công việc từ năm 2014 đến nay. Bên cạnh đó, UBND huyện yêu cầu mỗi đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị phải tạo cho mình một mail để trao đổi thông tin lẫn nhau. Hiện nay, có 100% cơ quan, đơn vị trao đổi thông tin và gởi văn bản qua hệ thống Q-office, qua mail cá nhân. Nhờ vậy, đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và kinh phí về văn phòng phẩm, photocopy, in ấn tài liệu cho các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng hệ thống Q-office cũng như mail cá nhân trên môi trường mạng công cộng bộc lộ những hạn chế nhất định như: vấn đề bảo mật thông tin chưa được kiểm soát và đảm bảo bảo mật, mỗi CBCCVC các cấp phải sử dụng nhiều tài khoản, mật khẩu khác nhau để truy cập email, phần mềm/ứng dụng CNTT cần phải truy cập, dữ liệu phân tán ở nhiều đơn vị, địa phương,… không có một hệ thống tổng thể, chưa thống nhất và chia sẻ dữ liệu, theo dõi và quản lý dữ liệu.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, thư điện tử công vụ được triển khai và là nền tản của tất cả các ứng dụng CNTT hiện nay trong khối cơ quan, nhà nước. Đảm bảo mỗi CBCCVC có công cụ để trao đổi thông tin chính thống và đảm bảo bảo mật, đồng thời đây cũng chính là tài khoản để đăng nhập và sử dụng cho tất cả các phần mềm/ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh hiện nay như: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành công việc, hệ thống hành chính công điện tử, hay các hệ thống phần mềm chuyên ngành trên địa bàn tỉnh hiện nay. Và quan trọng nhất là không phụ thuộc vào vị trí, đơn vị công tác, địa phương,… đồng thời đảm bảo tính lịch sử, hệ thống cho dù CBCCVC được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm,… trong phạm vi toàn tỉnh.
Tại buổi tập huấn các học viên đã được nghe hướng dẫn cách sử dụng, vận hành thử nghiệm phần mềm Q-Office và Email công vụ mới, cụ thể qua các thao tác về cách đăng nhập; quản lý văn bản đến, văn bản đi và hồ sơ công việc; lập phiếu yêu cầu, đề xuất; trao đổi nội bộ; ký số văn bản trực tiếp trên phần mềm đối với lãnh đạo, gửi nhận văn bản liên thông trên phần mềm Q-office…đặc biệt QTI đã đưa vào sử dụng dịch vụ xác thực SSO (Single sign-on) cho phép một tài khoản truy cập nhiều ứng dụng khác nhau.
Đặc biệt, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 04/2/2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; Quyết định số 2675/QĐ-UBND ngày 04/9/2018 về ban hành Quy chế gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy định tại Quy chế này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy, tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, an toàn thông tin và văn thư, lưu trữ.
Qua Hội nghị tập huấn giúp cho các học viên được giao nhiệm vụ quản trị Hệ thống của đơn vị bám sát các nội dung chuyển giao quản trị sau khi đưa vào vận hành, sử dụng Hệ thống tại đơn vị đạt được hiệu quả nhất trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, góp phần tạo bước chuyển biến rõ nét trong phát triển CNTT trên địa bàn, từng bước hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử./.