Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử Xã Trà Vân

Chi tiết tin

Bè qua Tắk Rối

Nắng hạ màng, hoàng hôn đẩy những cánh chim trời bay lên cao, kéo thôn dân Tắk Rối về bên bếp lửa. Họ xếp hàng, nối đuôi nhau cựa quậy trên sông nước, trên chiếc bè sập xệ, đơn sơ…

Kéo bè qua Tắk Rối

1. Chiều hôm đó, Hồ Văn Tim (làng Tắk Rối, thôn 3, xã Trà Tập) phụ trách đưa bà con về làng. Tay víu chặt sợi dây cáp, nắn nót kéo rê từng đoạn, sợi dây dài, thi thoảng đập bỏm bẻm trong làn nước xanh. “May đẹp trời, nước chảy êm nên bè ít chao đảo” - Tim nói.

Tim, và nhiều người khác trong làng Tắk Rối, trừ trẻ con và người già yếu, ai cũng kéo được bè. Chẳng ai muốn thế, nhưng vào thế thì phải tập, lâu dần thành thói quen. Hai người kéo thì khỏe, một thân một mình thì ghì sức ra mà kéo, phải biết kéo bè mới ra được bên ngoài, và về được nhà.

Bè qua Tắk Rối được kết từ chín chiếc thùng phuy rỗng, bà con xin của đoàn từ thiện. Ép lên mấy tấm ván gỗ, đóng đinh chắc nịch, ngang ba mét, dài ba mét. Cứ thế năm tháng trôi qua, bè đưa người, đón trăng qua lại bên kia sông, hồi hộp chờ mưa lũ đến “đón đi” là xong nhiệm kỳ.

“Chiếc bè này là chiếc thứ ba của làng đấy. Hai chiếc trước cũng làm kiểu vậy mà bị lũ cuốn mất xác”. “Chớ răng bà con không lo cất bè đi?” – Tôi hỏi. “Bè chỉ dùng được mùa nắng thôi anh, mùa mưa neo lại bên bến làng, chẳng may đêm hôm lũ lớn thì mất bè, bè nặng chẳng vác đi đâu được” – Tim tâm sự.

Độ tháng Giêng đến nay, làng Tắk Rối đẹp như tranh. Người ta ví Tắk Rối như một ốc đảo, bởi làng lọt thỏm giữa núi. Nhưng gọi là ốc đảo cũng có phần “thiệt”, vì làng cách quốc lộ chỉ hơn mười mét sông.

Từ cầu ông Đề (đoạn Km90) trên quốc lộ 40B xe qua nhộn nhịp, nhìn sang Tắk Rối, cảnh vật yên bình đến thương. Duy chỉ có chiếc bè mang đến hơi thở cuộc sống, dù có hơi trầm mặc. Nhìn hồi lâu, chiếc bè như một nốt chênh phô trong bản giao hưởng hoàn hảo của thiên nhiên và cuộc sống con người xứ núi.

2. Qua đến làng Tắk Rối, từ bến neo bè đã có đường bê tông dẫn lối. Lập làng từ năm 2019 đến nay, nhưng không vì thiếu cầu mà để làng tội nghiệp. Làng tái định cư cho 47 hộ đồng bào Ca Dong, làng cũ ngược lên thượng nguồn chưa đầy một cây số, người dân ở đó từ năm 2010. Trước thời điểm đó nữa, thì các hộ ở rãi rác trong núi sâu.

Đầu làng còn vết tích của ngôi trường do câu lạc bộ “Bạn thương nhau” (Đà Nẵng) xây tặng, thọ một năm do lũ cuốn. Quá thương, câu lạc bộ lại xây một ngôi trường mới thay thế, trên cao hơn, để con em trong làng có nơi chốn học hành khang trang. Nghe bà con kể, lúc xây trường, vận chuyển vật liệu là nhọc nhất, mọi thứ nhờ bè. Bè bấy giờ chỉ chuyên chở xi măng, gạch, sắt. Xung quanh, năm, sáu người bì bõm níu bè theo dây văng.

Mấy cây số đường bê tông trong làng cũng làm theo cách đó. Rồi nhà cửa, xe cộ, ốm đau, học hành. Nhờ bè cả. Nói là nhờ, nhưng thực ra phụ thuộc thì đúng hơn. Chẳng ai muốn gắn bó với chiếc bè gỗ cứ ì ạch, lênh đênh mãi. Tự cổ chí kim, mấy ai muốn qua sông mà không muốn bắc cầu, người Tắk Rối cũng thế.

3. Mấy cô, mấy chị trong làng Tắk Rối thấy khách lạ, ai cũng niềm nở. Bởi ngại sông suối, ít có ai đến làng. Chị Hồ Thị Út đưa chúng tôi miếng đu đủ sống kèm muối ớt, mời dùng. “Ăn đi, đu đủ nhà trồng, ớt nhà trồng, sạch lắm. Ăn cho vui” – chị Út xở lởi. Chẳng riêng gì miếng đu đủ ấy, từ ngọn rau, hạt gạo ăn hằng ngày, dân làng tự làm ra hết. Cá bắt ở sông Tranh. Không chợ, có nhà mỗi năm dùng chưa đến một cân thịt, như nhà Tim.

Dù gần Nước Xa – cửa ngõ của huyện, nhưng trong làng Tắk Rối không thấy bóng dáng tạp hóa của người dưới xuôi như những làng khác. Xe tải hàng, rồi dân buôn hiếm mấy, sáng sớm ra đã bon bon trên quốc lộ, ngang qua làng nhưng chẳng ai buồn ghé, ngại bè trôi lâu.

“Về làng được một năm là xảy ra dịch Covid-19, bà con trong làng giữ lại bè bên này, không tiếp xúc với ai. Có lịch tiêm vắc-xin của huyện là băng rừng để lên huyện, nhà nào có xe máy thì khỏe, còn lại đi bộ hết. Mưa lũ thì khỏi nói, năm ngoái nước đang lên, bè không dùng được, bốn người một chiếc ghe nhỏ, đến giữa dòng thì ghe lật, chới với mãi may sao vào được bờ” – Hồ Văn Tim kể.


Người dân làng Tăk Rối mong ước có một cây cầu để đi lại được thuận tiện, an toàn

Trời tắt nắng hẳn, không gian trong làng chỉ còn màu xanh của núi và loạng choạng bóng đêm, bà con nhắc chúng tôi ra về kẻo lỡ bè. Trên đường trở lại bến neo, anh Hồ Văn Hiếu không quên nhắc lại mong muốn của bà con về một cây cầu mới. “Vừa rồi nghe nói tháng sáu xây cầu, nhưng rồi đụng rừng nên Bộ ngoài đó kêu ngưng, sắp tới xây xuống cánh dưới ni thì phải” – anh Hiếu nói.

Nắm trên tay chiếc dây cáp đương oằn trên sông, đầu dây bên này cột vào mỏm đá lớn, bên kia cột vào bụi cây to. Chúng tôi cùng chiếc bè cũ, chậm rãi lướt trên mặt nước, thoáng trong đầu suy nghĩ ngại sang sông.


Tác giả: Phú Thiện

Nguồn tin: Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ VÂN - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Vân - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)